Chắc hẳn, hầu hết các bạn cũng đã từng nghe đến từ testoterone ít nhất 1 lần trong đời rồi. Nhưng để hiểu rõ về nó thì không phải ai cũng đêu biết. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến testosterone như testosterone là gì? Vai trò của nó như thế nào? Nó ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tình dục và chức năng sinh sản? Nó thay đổi như thế nào theo lứa tuổi?… Để giải đáp 1 phần nào thắc mắc của mọi người, bài viết này sẽ trình bày những vấn đề trên ở các mục dưới đây. Nếu bạn quan tâm về những vấn đề này thì hãy cùng chúng tôi tiếp tục theo dõi bài viết này.
Phụ lục
- 1 Testosterone là gì?
- 2 Vai trò của testosterone đối với nam giới như thế nào?
- 3 Thay đổi hormone testosterone trong cơ thế như thế nào?
- 4 Bình thường nồng độ hormone testosterone trong máu là bao nhiêu.
- 5 Thiếu hormone testosterone gây ra những tác hại gì?
- 6 Bổ sung hormone ngoại sinh có nên không?
- 7 Khi nào thì xét nghiệm testosterone?
Testosterone là gì?
Testosterone (17 hydroxyl -4 – androsten – 3 on) là một hormone sinh dục quan trong của nam giới, đươc sản xuất từ tế bào kẽ (leydig) của tinh hoàn tiết ra dưới sự kiểm soát của hormone LH do tuyến yên tiết ra. Bên cạnh đó, testosterone còn được sản xuất với 1 lượng nhỏ từ tuyến thượng thận và buồng trứng ở nữ giới.
Đối với nam giới nó đóng vai trò như một nhạc trưởng chịu trách nhiệm trong sự hình thành và phát triển đặc tính của phái mạnh. Nếu bất kì nguyên nhân gì ảnh hưởng đến nồng độ testosterone trong máu sẽ dẫn đến những rối loạn sinh lý cũng như khả năng sinh sản của nam giới.
Vai trò của testosterone đối với nam giới như thế nào?
Hormone sinh dục nam – testosterone tham gia vào nhiều hoạt động của hầu hết các cơ quan như cơ quan sinh sản, cơ xương , chuyển hoá, tim mạch,…. Vì vậy, những rối loạn về hormone này sẽ gây ra rất nhiều biến đổi các hoạt động cơ quan mà nó chi phối. Sự ảnh hưởng này cụ thể như sau:
Đối với cơ quan sinh dục:
Hormone Testosterone ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục và chức năng sinh sản của phái mạnh.
- Testosterone tham gia vào sự hình thành và phát triển của cơ quan sinh dục ở nam giới như dương vật, tinh hoàn, tuyến tinh, ống dẫn tinh,… Thiếu hormone này cơ quan sinh dục không thể phát triển toàn diện, thậm chí cơ quan sinh dục của người lớn chỉ nang với đứa trẻ.
- Tham gia vào quá trình sản xuất và trưởng thành của tinh trùng. Đảm bảo số lượng cũng như chất lượng tinh trùng. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hormone này thì chất lượng và số lượng tinh trùng suy giảm từ đó tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở nam giới.
- Giúp nam giới gia tăng ham muốn tình dục và kích thích sự khoá cảm, hưng phấn khi quan hệ. Nếu thiếu hormone này, nam giới sẽ có những biểu hiện như giảm ham muốn tình dục, thờ ơ, lãnh đạm.
- Hormone Testosterone giúp nam giới cải thiện và nâng cao đời sống tình dục cho nam giới.
Ảnh hưởng đến cơ xương:
Một trong những tác dụng chính của Hormone testosterone là tham gia vào quá trình phát triển của cơ xương.
- Testosterone có vai trò thúc đẩy phát triển cơ bắp ơ nam giới sau tuổi dậy thì, cao hơn khoảng 50% khối lượng cơ bắp so với nữ. Sự phát triển cơ bắp này liên quan chặt chẽ với quá trình tăng tổng hợp protein. Do tác dụng lên hệ cơ bắp này nên trước đây đã có một số vận động viên lạm dụng chất này để nhằm cải thiện cơ bắp của họ. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến cáo bởi những tác hại của việc dư thừa testosterone trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác cũng như sức khoẻ sinh sản và sinh lý của con người.
- Testosterone thúc đẩy sự phát triển của xương và lắng đọng calci trong xương, tăng lượng cấu trúc của xương giúp cho xương tăng kích thước và số lượng. Điều này cũng giải thích cho việc khung chậu của nam có hình dạng khác với nữ như khung chậu hẹp và dài, độ chịu lực tốt hơn của nữ. Vì tác dụng này mà ở những người đàn ông lớn tuổi, họ có thể dùng testosterone để điều trị tình trạng loãng xương. Tuy nhiên, đối với trẻ em nếu lượng hormone testosterone tăng sẽ tạo nên bứt phá chiều cao của cơ thể. Nhưng do sự phát triển chiều cao của trẻ em là do cốt hoá của sụn liên hợp nên quá trình này xảy ra nhanh thì trẻ em sẽ dừng phát triển chiều cao sớm. Vì vậy, đối với trẻ em tăng tiết testosterone thì đến khi trưởng thành họ lại thấp hơn người bình thường.
Đối với hồng cầu:
Tuy không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu hoặc ảnh hưởng đến nồng độ erythropoietin nhưng hormone testosterone có quan hệ chặt chẽ với tình trạng tăng hematocrit và tăng số lượng hồng cầu. Vì vậy, lượng huyết sắc tố của nam thường cao hơn so với nữ cùng tuổi.
Đối với chuyển hoá cơ sở:
Testosterone có tác dụng làm tăng chuyển hoá cơ sở của cơ thể nhờ tăng quá trình trao đổi chất thông qua quá trình đồng hoá protein và tăng hoạt động của các tế bào trong cơ thể.
Đối với sự phát triển của lông tóc:
Testosterone có vai trò quan trọng trong sự phát triển của lông tóc, hormone này thúc đẩy quá trình mọc lông ở các vị trí như mặt, ngực, xương mu, đường giữa bụng, lưng,… Vì vậy, khi nồng độ testosterone trong máu thấp thì lông mọc trên cơ thể sẽ thưa đi.
Đối với chuyển hoá chất béo:
Tham gia vào quá trình chuyển hoá chất béo, đây cũng là một lý do khiến cho tỉ lệ mỡ trong cơ thể của nam ít hơn nữ.
Thay đổi hormone testosterone trong cơ thế như thế nào?
Lượng hormone testosterone không ổn định suốt đời mà nó thay đổi theo lứa tuổi. Như chúng ta đã biết, Testosterone được tiết ra từ tế bào leydic nằm ở khoảng kẽ của các ống sinh tinh. Tế bào này gần như không hoạt động trong thời kì niên thiếu nên trong giai đoạn này tinh hoàn không tiết ra testosterone. Vì vậy ở lứa tuổi này nồng độ hormone testosterone là rất thấp. Tuy nhiên khi bắt đầu vào giai đoạn dậy thì và vài tháng đầu của cuộc đời thì tinh hoàn tiết ra một lượng hormone lớn. Nó đạt đỉnh vào giai đoạn 20 – 30 tuổi. Sau đó, lượng hormone giảm dần theo thời gian, cứ 10 năm thì giảm 10%. Lượng hormone giảm còn 70-75% ở độ tuổi 35 và còn 60-65% ở độ tuổi 45. Vì vậy, càng nhiều tuổi thì lượng hormone càng thấp. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như thói quen ăn uống không khoa học, lối sống không lành mạnh có thể gây nên tình trạng suy giảm nồng độ testosterone trong máu. Ngoài ra, hormone sinh dục nam còn thay đổi theo thời gian trong ngày cao nhất 4-8 giờ sáng và thấp nhất là 4-8h chiều.
Bình thường nồng độ hormone testosterone trong máu là bao nhiêu.
Xét nghiệm hormone testosterone là một xét nghiệm quan trọng để đánh giá và chẩn đoán, theo dõi điều trị một số bệnh liên quan đến rối loạn chức năng sinh sản hoặc đời sống tình dục và sức khoẻ của nam giới.
Nồng độ hormone testosterone ở 1 nam giới trưởng thành khoẻ mạnh là khoảng 10 -35 nmol/L. Nồng độ hormone này có thể thay đổi trong ngày ( cao nhất là 4-8h sáng và thấp nhất là 4-8h chiều).
Nếu nồng độ này thấp hoặc cao hơn bình thường đều gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ nam giới. Xét nghiệm ra kết quả bất thường thì cần đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị kịp thời để tránh những hậu quả do bất thường hormone này gây ra.
Thiếu hormone testosterone gây ra những tác hại gì?
Thông qua những vai trò mà testosterone mang lại, ta thấy rằng nó đóng vai trò rất quan trong trong nhiều hoạt động của các cơ quan. Vì vậy, sự thiếu hụt hormone này sẽ gây nên rất nhiều ảnh hưởng đến những cơ quan mà nó tác động. Cụ thể là:
- Nam giới sẽ giảm ham muốn tình dục, thờ ơ, lãnh đạm, né tránh quan hệ.
- Cơ quan sinh dục như dương vật, tinh hoàn, lông mu,..không phát triển.
- Yếu cơ, khối lượng cơ giảm, giảm quá trình phát triển cơ bắp.
- Loãng xương, xương dễ gãy, nếu trường hợp gãy xương thì thời gian liền xương kéo dài hơn bình thường.
- Giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở nam giới.
- Rối loạn cương dương ở nam giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý khiến nam giới có cảm giác tự ti, mặc cảm, lo lắng và căng thẳng,…
- Ảnh hưởng đến quá trình mọc lông tóc, khiến cho lông tóc móc thưa.
- Giảm quá trình chuyển hoá mỡ, gây tích mỡ ở nam giới là một trong những nguyên nhân gây béo phì, rối loạn mỡ máu và các bệnh lý tim mạch.
- Làm giảm quá trình sản xuất hồng cầu, gây thiếu máu ở những người thiếu hormone testosterone.
Bổ sung hormone ngoại sinh có nên không?
Testosterone ngoại sinh là loại hormone được tổng hợp từ bên ngoài. Khác với testosterone nội sinh là nó được sản xuất ra trong cơ thể, cụ thể là phần lớn tinh hoàn sẽ sản xuất ra testosterone và một phần nhỏ được sản xuất từ tuyến thượng thận và buồng trứng ở nữ giới.
Bổ sung testosterone ngoại sinh sẽ cải thiện tình trạng thiếu testosterone nhanh chóng. Nhưng không phải trường hợp nào bổ sung vào cũng tốt và đặc biệt là sử dụng testosterone kéo dài.
Như chúng ta đã biết, hệ nội tiết trong cơ thể luôn được kiểm soát chặt chẽ để duy trì nồng độ hormone ổn định. Đối với testosterone được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống vùng dưới đồi – tuyên yên – tinh hoàn. Khi nồng độ testosterone trong cơ thể giảm nó sẽ đưa tín hiệu lên vùng dưới đồi tiết ra GnRH và tuyến yên tiết ra LH để tác động trở lại tinh hoàn gây tăng sản xuất testosterone. Vậy như thế nào khi chúng ta đưa 1 lượng testosterone ngoại sinh từ ngoài vào. Lúc này vùng dưới đồi và tuyến yên sẽ nhận thấy lượng hormone đã đủ nên không tác động lên tinh hoàn để kích thích nó sản xuất ra testosterone nội sinh. Bổ sung kéo dài hormone ngoại sinh sẽ gây ra hậu qua là tinh hoàn giảm hoạt động, kích thước giảm, và thậm chí tinh hoàn có thể teo nhỏ lại.
Vì vậy, khi sử dụng testosterone ngoại sinh thì bác sĩ cần phải cân nhắc một cách cẩn thận những lợi ích và tác hại của nó gây ra. Phải xem xét trên từng bệnh nhân cụ thể để đưa ra những chỉ định phù hợp. Còn đối với người bệnh thì không nên tự ý sử dụng hormone testosterone ngoại sinh mà không có chỉ định cũng như sự theo dõi của bác sĩ.
Khi nào thì xét nghiệm testosterone?
Xét nghiệm testosterone thường là định lượng nồng độ testosterone trong máu. Những trường hợp nên được xét nghiệm testosterone như:
- Nam giới suy giảm ham muốn tình dục không rõ nguyên nhân.
- Nam giới suy giảm chức năng sinh sản.
- Các cặp đôi muốn xét nghiệm tiền hôn nhân để đánh giá khả năng sinh sản cho nam giới.
- Nữ giới rối loạn kinh nguyên như vô kinh, thưa kinh, rong kinh,… chưa rõ nguyên nhân.
- Nữ giới rậm lông, hói đầu, giọng nói trầm.
- Nữ giới vô sinh hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân.
- Cơ quan sinh dục phát triển bất thường.
- Trẻ dậy thì sớm hoặc muộn hơn bình thường.